Tiếng Nói Dân Chủ

Phong Trào Dân Chủ Việt Nam

CHỐNG THAM NHŨNG: NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU ĐANG ĐỨNG Ở ĐÂU?

Đất đai là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, được cơ quan thanh tra đặc biệt quan tâm. (Trong ảnh: Dự án Khu đô thị mới Vân Canh, Hà Nội được Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, TP Hà Nội vừa lập đoàn thanh tra dự án). Ảnh: Minh TuấnViệt Anh, theo SGTT

Đã qua một chặng đường khá dài, từ khi Chính phủ Việt Nam cùng các nhà tài trợ quốc tế tổ chức chín kỳ đối thoại về phòng chống tham nhũng (từ năm 2007), nhưng đến nay, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tạo được chuyển biến có tính cơ bản, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp trong nhiều lĩnh vực.

Đó là ý kiến chung của các cơ quan chức năng Việt Nam và đại diện các sứ quán, tổ chức quốc tế tại cuộc đối thoại lần thứ mười diễn ra tại Hà Nội sáng 29.11.

Mối quan tâm lớn của toàn xã hội

Thay mặt cho văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng khái quát lại tình hình sau năm năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng, ông Cấn Đức Quyết cho hay, tham nhũng vẫn còn là vấn đề bức xúc và là mối quan tâm lớn của toàn xã hội.

Đáng chú ý, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng còn yếu, việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế. Do đó, số vụ việc, vụ án được phát hiện và xử lý còn thấp so với tình hình thực tế đang diễn ra. Có một số vụ việc, vụ án xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật.

Theo ông Quyết, Chính phủ đã ban hành nghị định số 107/2006/NĐ-CP quy định việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng. Bộ Nội vụ cũng ban hành thông tư số 08/2007 hướng dẫn xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng ở các đơn vị sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước. Một số bộ, ngành, đã ban hành văn bản quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu như bộ Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận…

Tuy nhiên, trong năm 2011, mới có 61 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng trong phạm vi mình quản lý, phụ trách. Trong đó cách chức 11 người, cảnh cáo 10 người và khiển trách 40 người.

Ông Quyết cho biết thêm, trong năm năm qua, ngành thanh tra đã tiến hành hơn 6.300 cuộc thanh tra kinh tế – xã hội và thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước, tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực như đất đai, thuế, quản lý vốn, hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước… Giai đoạn 2006 – 2010, công tác kiểm toán đã thu hồi cho ngân sách hơn 77.000 tỉ đồng.

Thông tin của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy, trong năm năm qua (2007 – 2011), các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố bình quân mỗi năm khoảng 280 vụ về các tội tham nhũng, với 600 bị can.

“Sau năm năm tới, liệu chúng ta có thở dài?”

Đến từ bộ Phát triển quốc tế Anh (đại diện cho đại sứ quán Anh, cơ quan điều phối phòng chống tham nhũng giữa Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế), ông Renwick Irvine nhận định, từ năm 2006 đến nay, việc “chấp nhận tham nhũng” ở Việt Nam đang là một vấn đề. Ông Renwick Irvine cho biết có đến 75% người dân Việt Nam trả lời sẽ không tố cáo nếu bị đòi hối lộ và nguyên nhân là “có tố cáo cũng không có tác dụng gì” (53% người trả lời). Điều đó chứng tỏ người dân không tin vào hệ thống chống tham nhũng của Nhà nước. Ông Irvine kết luận, việc chống tham nhũng ở Việt Nam có những thách thức to lớn vì mang tính hệ thống, xã hội chấp nhận như một “chuẩn mực”, có khoảng cách lớn giữa chính sách và thực thi, tham nhũng vẫn còn tràn lan, nhìn chung là chưa có những thay đổi căn bản. Theo ông, Việt Nam cần có cải cách mạnh mẽ và những bước đi mang tính bước ngoặt, “Liệu sau năm năm nữa, chúng ta sẽ nói gì về những điều đã đạt được hay chúng ta sẽ thở dài: không, chúng ta đã không đạt được mục tiêu?”, ông nêu nghi vấn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cố nán lại hội thảo tới phần thảo luận vì “muốn lắng nghe ý kiến của đại diện các nhà tài trợ”. Đáp lại, các đại diện từ sứ quán Mỹ, Anh, Thuỵ Điển, Canada, New Zealand, WB, ADB… đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hành động, bởi các khuôn khổ, chính sách của Việt Nam về phòng chống tham nhũng có thể xem là “tốt rồi”. Các yếu tố chính được nêu bật lên là Việt Nam phải tăng cường hơn nữa tính minh bạch thông tin, người dân phải được tiếp cận thông tin như một quyền “chứ không phải đặc ân”. Thứ hai là làm sao khuyến khích người dân tham gia phản biện, tích cực tố cáo tham nhũng, biến thành hành động cụ thể. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội, báo chí cũng được các đại diện quốc tế nhắc đến như là nhân tố hết sức quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng. “Việt Nam hoàn toàn hiểu rằng tham nhũng là rào cản lớn trên con đường phát triển của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam sẵn sàng trao đổi và học hỏi kinh nghiệm của các đối tác phát triển trong công tác phòng chống tham nhũng. Chúng tôi tin tưởng rằng Vương quốc Anh, với tư cách là nhà tài trợ điều phối trong phòng, chống tham nhũng, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối hoạt động hỗ trợ công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam”, phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Bà Victoria Kwakwa, giám đốc WB tại Việt Nam nói, bà rất mong nhìn thấy tính minh bạch ở Việt Nam, vì đó là nguyên tắc chủ đạo đảm bảo cho phòng chống tham nhũng thành công. Minh bạch phải là quy luật, Chính phủ cần phải chia sẻ thông tin, công khai mọi số liệu thống kê để người dân có thể tiếp cận. Bà Victoria cũng đề xuất cần nêu lên một vài bài học tốt trong phòng chống tham nhũng để rút kinh nghiệm. Nếu không thì mọi người sẽ cảm thấy chống tham nhũng là công việc khó khăn và khó đẩy lùi.

Góp ý với hội thảo, đại diện của đại sứ quán Mỹ nêu ví dụ, trong những năm 2000, ra đường hầu như người dân Việt Nam không đội mũ bảo hiểm, nhưng đến nay tình hình đã khác, Chính phủ đã thực hiện được việc quán triệt quy định đó. “Vậy vấn đề là, miễn chúng ta có quyết tâm và mong muốn thực thi”.

***

Phòng chống tham nhũng: Cần tìm ‘nút thắt cổ chai’

Lê Dương, theo Pháp Luật

Mặc dù có nhiều cố gắng, quyết tâm và đạt được một số kết quả bước đầu, song công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) 5 năm qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tạo sự chuyển biến cơ bản. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp…

Nhận định trên được Văn Phòng Ban chỉ đạo T.Ư PCTN đưa ra hôm qua, tại cuộc đối thoại về PCTN lần thứ 10 với chủ đề “Đánh giá tác động, hiệu quả của các kỳ đối thoại về PCTN đối với công tác PCTN ở Việt Nam”.

Hơn 280 vụ tham nhũng bị khởi tố mỗi năm

Cũng theo Văn Phòng Ban chỉ đạo T.Ư PCTN, 5 năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức và trở thành hành động trong PCTN.

Công tác hoàn thiện thể chế được tập trung thực hiện, đã cơ bản hình thành khuôn khổ pháp lý; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện rộng rãi và đang từng bước phát huy tác dụng; công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được tăng cường. Nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được xử lý nghiêm.

Theo báo cáo của Viện KSNDTC, từ năm 2007 đến 2011, trung bình mỗi năm có 281 vụ và hơn 600 bị can bị khởi tố về các hành vi tham nhũng. Tính từ đầu tháng 10-2010 đến tháng 10-2011, cơ quan chức năng đã khởi tố 220 vụ, 449 bị can; xét xử sơ thẩm 221 vụ với 501 bị cáo.

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra tiến hành 6.322 cuộc thanh tra kinh tế – xã hội và thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước. Từ năm 2006 – 2010, các cơ quan kiểm toán nhà nước tiến hành khoảng 500 cuộc kiểm toán. Qua đó, đã kiến nghị xử lý, thu nộp ngân sách hơn 80 nghìn tỷ đồng; chuyển 6 vụ việc sang CQĐT Bộ Công an xử lý, trong đó có vụ Đề án 112 và dự án hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long-Vân Trì (Hà Nội)…?

Năm 2011, có 61 trường hợp là người đứng đầu bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong phạm vi mình quản lý.

Tìm “nút thắt cổ chai”

Từ những kết quả đạt được, ông Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn Phòng Ban Chỉ đạo T.Ư PCTN đưa ra đánh giá: “Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế, như: quản lý sử dụng tài sản công; sử dụng vốn ODA; chi tiêu thường xuyên bằng nguồn vốn ngân sách; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia…”.

Ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong công tác PCTN thời gian qua, một số đại biểu nước ngoài tham dự Đối thoại cũng khuyến nghị: “Hy vọng Chính phủ không tự mãn với kết quả đạt được trong 5 năm, đây chưa phải mục tiêu cuối cùng. Việt Nam cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch trong các lĩnh vực. Minh bạch phải là quyền chứ không phải đặc ân”.

Đại diện ĐSQ New Zealand cho rằng, thời gian tới Chính phủ Việt Nam cần hành động cụ thể để chính nhân dân cảm nhận được nạn tham nhũng không còn. “Cần tìm “nút thắt cổ chai”, điểm yếu trong công tác PCTN để xác định rõ trong 5 năm tới chúng ta cần ưu tiên những việc gì? Theo tôi, phải ưu tiên tính minh bạch”- đại diện Liên Hợp Quốc phát biểu.

Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) góp ý về 2 lĩnh vực cần được minh bạch ngay là đầu tư công và các tổng Cty, tập đoàn nhà nước, “2 lĩnh vực này đều có vấn đề chung là đầu tư dàn trải, không hiệu quả, tính cạnh tranh thấp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Cải tổ chúng có ý nghĩa quan trọng đối với việc phòng chống tham nhũng”.

Đại diện ĐSQ Mỹ nhận định, sự tham gia của báo chí và các tổ chức xã hội dân sự không chỉ giúp nâng cao nhận thức của người dân mà còn tạo áp lực, sức ép tích cực chống tham nhũng lên các cơ quan Chính phủ. “Minh bạch quan trọng nhất chính là thông tin đầy đủ, có vậy mới nâng cao vị thế kiểm tra, giám sát của người dân, từ đó phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn” – vị này nói.

Phúc đáp những ý kiến đóng góp của các đại biểu, ông Lê Văn Lân khẳng định: Qua 9 kỳ Đối thoại, phía Việt Nam tiếp thu và tham khảo rất nhiều kinh nghiệm của các đối tác, bạn bè quốc tế để đưa vào xây dựng các văn bản mang tính pháp lý cho hoạt động PCTN.

“Việt Nam nhận thức được vai trò của tính minh bạch trong công tác PCTN, điều này được thể hiện tại Luật PCTN và trong nhóm giải pháp PCTN đến năm 2020 đã thể hiện. Chúng tôi cũng tích cực phát huy vai trò của xã hội, nhân dân, báo chí trong công tác PCTN và nhất trí với hai chữ “hành động” trong thời gian tới”- ông Lân nói.

___

Tiếng Nói Dân Chủ là diễn đàn chia sẻ những quan điểm dân chủ từ nhiều nơi khác nhau. Ban Biên Tập không chịu trách nhiệm nội dung các bài viết đã được đăng tải, cũng như bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiếng Nói Dân Chủ.

Tháng Mười Hai 1, 2011 - Posted by | Tham Nhũng-Lãng Phí |

1 bình luận »

  1. Hy vọng gì về chống tham nhũng ở mấy cái hội thảo này kia chứ,bao nhiêu hội thảo rồi,ông Nguyễn Xuân Phúc mà là người chống tham nhũng, ông Tổng bí thư sao không đến dự,sợ ảnh hưởng uy danh của lãnh tụ tối cao,hay lại nói Đảng không làm thay Nhà nước? Vậy ông Nông Đức Mạnh làm chức danh gì của Nhà nước mà năm 2001 đến Bắc Kinh ký”hiệp định”khai thác bauxite Tây Nguyên-Việt Nam?
    Chống tham nhũng phải là người coi tham nhũng như kẻ thù và không có khả năng liên quan đến tham nhũng mới có thể chống được chứ?
    “Hệ thống” này có thực sự đặt tham nhũng ngang với kẻ thù,hay không kỷ luật ai,kỷ luật hết lấy ai làm việc?
    Chống tham nhũng ư? Ở Việt Nam mà chống tham nhũng thật thì cũng là chống Đảng đấy! Các ngài ngoại quốc không tin? Nếu Đảng chỉ có lảnh lương,lương lại thấp nhất nhì thế giới,với thời bão giá này,thà bỏ lương về làm nông dân tự do,ngủ ngáy o o khỏe hơn,bám chi cái ghế mục ruỗng này,còn chịu nhiều chỉ trích,áp lực do không đủ năng lực cạnh tranh với thế giới,lộng quyền,quan liêu,hách xì,toàn trị,độc tài,thanh tra đến đâu sai phạm đến đó,định hướng xã hội chủ nghĩa mù mịt tăm hơi,Marx-Lê trương lên chỉ để hoài niệm tơ tưởng mong giảm phần nguy cơ đột quỵ…
    Hễ nghe có cuộc hội thảo chống tham nhũng cho Việt Nam,lại mắc cười,hết cơn cười lại khóc cứ như tâm thần.
    Nhớ đọc được câu nói của 1 chuyên gia tư vấn Nhật Bản trước khi lên đường về nước:”Ở Việt Nam một ngày không có tham nhũng giống như cỗ máy đang chạy không có dầu bôi trơn”.

    Bình luận bởi Tiểu Điền Địa | Tháng Mười Hai 2, 2011 | Trả lời


Bình luận về bài viết này