Tiếng Nói Dân Chủ

Phong Trào Dân Chủ Việt Nam

VÀI LỜI VỚI GS VÕ TÒNG XUÂN VÀ BÀ CON NÔNG DÂN

Ngày 29/7/2011, Trang Vietnamnet có bài phỏng vấn Giáo sư Võ Tòng Xuân “Chúng ta cần cảm ơn thương nhân Trung Quốc” về việc các thương lái Trung Quốc ký hợp đồng với nông dân Nam Bộ trồng khoai.

Một số bạn đọc rất phân vân về những quan điểm được trình bày trong bài phỏng vấn. Đại diện cho nhóm bạn đọc đó của Vietnamnet, Nhà giáo Vũ Cao Đàm đã có bài viết gửi Vietnamnet với tiêu đề “Vài lời với Giáo sư Võ Tòng Xuân và bà con nông dân” nhằm cảnh báo những nguy cơ của việc thực hiện phá lúa trồng khoai cho người Trung Quốc.

Sau một vài ngày bài viết được gửi đi, Vietnamnet đã trả lời Nhà giáo Vũ Cao Đàm, cho biết, trong tình hình hiện nay (?), bài viết chưa sử dụng được. Chính vì vậy mà ông Vũ Cao Đàm đã gửi bài viết cho Bauxite Việt Nam.

Sau khi nhận được bài viết, chúng tôi nhận thấy, những ý kiến cảnh báo đó thực sự cần thiết để các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam suy nghĩ.

Chúng ta không mất nhiều thời gian cũng có thể dễ dàng tìm được rất nhiều thông tin trên các mạng chính thống của Nhà nước, như Tiền phong điện tử, Giáo dục Việt Nam điện tử, Vietnamnet, VnExpress,… về những thủ đoạn nham hiểm của Trung Quốc trong việc phá hoại kinh tế và an ninh, quốc phòng của Việt Nam: Với thủ đoạn thu mua rễ hồi, họ đã kích thích nông dân triệt phá rừng hồi, một nguồn dược liệu quý; với thủ đoạn thu mua móng trâu, họ xúi giục nông dân tự tay tàn phá sức kéo của mình; với thủ đoạn thu mua râu ngô non, họ lôi kéo nông dân phá hoại những nương ngô đang đợi đến kỳ thu hoạch; với thủ đoạn thu mua mèo, họ đã triệt phá một loài thiên địch với chuột, tung ra những bầy chuột bạt ngàn phá hoại mùa màng; với thủ đoạn thu mua dây đồng, họ kích thích bọn “đồng tặc” phá hoại mạng điện phục vụ công nghiệp hóa; với thủ đoạn thu mua cáp quang phế liệu, họ đã lôi kéo cả một công ty Việt Nam tổ chức phá hoại mạng cáp quang viễn thông, đánh vào huyết mạch thông tin của đất nước chúng ta. Những thủ đoạn thâm hiểm ấy, không thể nào kể ra cho xiết.

Nay đến việc họ lôi kéo nông dân Nam Bộ bỏ lúa trồng khoai cho họ. Không cần nghĩ gì sâu xa lắm, chúng ta cũng có thể đọc được một âm mưu vô cùng hiểm độc như đã chỉ trong bài viết của Nhà giáo Vũ Cao Đàm:

  1. Họ sẽ mở ra những vùng khoai rộng lớn ở Nam Bộ, triệt phá nguồn gạo xuất khẩu;
  2. Việt Nam muốn giữ được vị trí xuất khẩu gạo, sẽ phải nâng giá thu mua đủ sức cạnh tranh với giá mua khoai của thương nhân Trung Quốc. Kết quả là giá xuất khẩu gạo của Việt Nam không chịu đựng nổi với mặt bằng giá gạo xuất khẩu của thế giới, Việt Nam sẽ chết trên thị trường gạo xuất khẩu.
  3. Đến thời điểm đó, Trung Quốc sẽ dừng thu mua khoai, làm nông dân Việt Nam điêu đứng, như đã từng điêu đứng vì dưa hấu, chè vàng và các hàng nông sản khác.

Chúng tôi không thể hiểu, vì sao một bài viết quá ư mềm mỏng so với khẩu khí mạnh mẽ của tác giả Vũ Cao Đàm khi viết lên án những tội ác của Trung Quốc, như bạn đọc thường gặp trên mạng, mà Vietnamnet vẫn sợ mất lòng người “đồng chí tốt”, không đưa lên mặt báo để rộng đường dư luận. Phải chăng, Vietnamnet muốn mượn uy tín của Giáo sư Võ Tòng Xuân để nói lời tri ân với các “đồng chí tốt” Trung Quốc, mà không thấy rõ được âm mưu nham hiểm của các “đồng chí tốt” này với dân tộc Việt Nam?

Với ý nghĩ đưa ra những thông tin đa chiều, Bauxite Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết đã không được đăng trên Vietnamnet để bạn đọc rộng đường phán xét.

Bauxite Vietnam

***

Vài lời với Giáo sư Võ Tòng Xuân và bà con nông dân

Vũ Cao Đàm, BVN

Nhiều bạn đọc đã cùng tôi đọc bài phỏng vấn Giáo sư Võ Tòng Xuân trên Vietnamnet do biên tập viên Quốc Quang thực hiện ngày 29/7/2011 với tiêu đề “Chúng ta nên cảm ơn thương nhân Trung Quốc” (Xem: Vietnamnet.vn).

Trước hết, chúng tôi rất hiểu tấm lòng của Giáo sư Võ Tòng Xuân với nông dân, những người suốt đời một nắng hai sương lam lũ mà vẫn đói nghèo. Bây giờ là cơ hội để đổi đời vì có “đầu ra”. Vả lại, theo Giáo sư, thì khoai là loại cây trồng bền vững.

Tuy nhiên, có điều chúng tôi mong muốn được lưu ý Giáo sư và bà con nông dân, những người sẽ đọc và lưu truyền bài phỏng vấn này. Đó là: cần cảnh giác trước những mưu ma chước quỷ của thương nhân Trung Quốc, mà chúng ta còn rất dễ dàng tìm lại trên mạng. Chẳng hạn:

– Nông dân điêu đứng vì ùn tắc dưa hấu tại Lạng Sơn (17/5/2011):

dailymotion.com

– Nông dân mất trắng vì thương nhân Trung Quốc mua chè vàng (16/6/2007):

vietbao.vn

– Nông dân ngậm trái đắng khi đổ xô đi trồng sưa (31/10/2010):

xaluan.com

– Một bài tổng kết về 10 “ngón đòn hiểm ác” của thương lái Trung Quốc khiến dân Việt Nam điêu đứng (29/7/2011):

giaoduc.net.vn

Chúng tôi muốn lưu ý Giáo sư và bà con nông dân mấy điều sau đây:

Từ 15 năm nay, Việt Nam và Trung Quốc chưa hề ký được một dự án hợp tác kinh tế nào theo đường nghị định thư, mà chủ yếu Trung Quốc chỉ thao túng để các cá nhân thương lái vào “hợp tác” theo con đường mậu biên. Các cá nhân thương lái đã luôn luôn tùy tiện hủy bỏ các hợp đồng đã “cam kết” để nông dân ta điêu đứng. Đây là con đường mà nước láng giềng Trung Quốc đã lựa chọn để triệt phá kinh tế Việt Nam.

Chúng tôi dự báo, nếu để thương nhân Trung Quốc tùy tiện ký các hợp đồng phá lúa trồng khoai với nông dân chúng ta, có thể xuất hiện các tình huống sau đây:

Thứ nhất, thương lái Trung Quốc sẽ thu mua khoai với giá rất hời cho nông dân, lôi kéo thêm nhiều vùng khác của Việt Nam, trước hết là vùng vựa lúa Nam Bộ, bỏ lúa trồng khoai. Nông dân Việt Nam sẽ dốc hết sức sản xuất khoai, nguồn gạo xuất khẩu sẽ bị triệt hạ, vị trí đang cao của Việt Nam về xuất khẩu gạo sẽ biến mất trên thị trường gạo thế giới.

Thứ hai, để duy trì nguồn gạo xuất khẩu, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam phải nâng giá thu mua đến mức có thể cạnh tranh với giá thu mua khoai của Trung Quốc. Như vậy giá cạnh tranh để thu mua gạo sẽ tăng đến mức dẫn tới thua thiệt trong xuất khẩu gạo, và Việt Nam sẽ phải chết trên thị trường xuất khẩu gạo của thế giới.

Thứ ba, sau khi đã đánh gục Việt Nam trên thị trường xuất khẩu gạo thế giới, thì Trung Quốc sẽ đột ngột hủy hợp đồng mua khoai với nông dân Việt nam, như đã từng làm với dưa hấu, chè vàng và nhiều mặt hàng khác mà người dân Việt Nam đã từng lãnh đủ. Và chắc chắn là nông dân sẽ điêu đứng, không cách nào gượng dậy được, như những nông dân sản xuất dưa hấu cho thương nhân Trung Quốc.

Chúng tôi nghĩ rằng, ý kiến Giáo sư Võ Tòng Xuân chỉ có thể đúng, nếu như việc phá lúa trồng khoai được thực hiện trong điều kiện hợp tác trồng khoai trong khuôn khổ một nghị định thư giữa hai chính phủ.

Chúng ta nhớ lại năm 1945 hơn hai triệu người Việt Nam chết đói vì phát xít Nhật ra lệnh phá lúa trồng đay, nay lại đến Trung Quốc dụ dỗ nông dân Việt Nam phá lúa trồng khoai. Việc Nhật bắt nông dân Việt Nam phá lúa trồng đay còn dễ hiểu, vì người Nhật dùng đay làm nguyên liệu sản xuất nitroglycerin để chế tạo thuốc nổ phục vụ chiến tranh. Ngày nay, Trung Quốc đến Việt Nam ký hợp đồng với nông dân phá lúa trồng khoai, thì quả thật chúng ta không hiểu được họ lấy khoai để làm gì (vì đồng đất bao la của Trung Quốc đâu có thiếu khoai?), nếu không ngoài mục tiêu phá hoại kinh tế Việt Nam.

Rất mong Giáo sư Võ Tòng Xuân và bà con nông dân hết sức tỉnh táo cảnh giác với âm mưu của Trung Quốc, như đã diễn ra trên đất nước ta những năm vừa qua.

V.C.Đ.

***

Giáo sư Võ Tòng Xuân nên nói lại!

Thuận Lý, BVN

Ngày 4-8-2011, Bauxite Việt Nam có bài Vài lời với giáo sư Võ Tòng Xuân và bà con nông dân của nhà giáo Vũ Cao Đàm. Bài này nhà giáo Vũ Cao Đàm đã gửi cho Vietnamnet – nơi đã đăng bài Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhưng đã được trả lời là  trong tình hình hiện nay bài viết chưa sử dụng được! Lạ chưa? “Tình hình hiện nay”mà Vietnamnet làm căn cứ  để từ chối đăng bài này là tình hình chính trị hay kinh tế vậy? Đây chẳng những là vấn đề quan hệ đến lợi ích của nông dân mà còn là vấn đề thuộc an ninh quốc gia, lẽ ra các cơ quan truyền thông và cả cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm nhanh chóng làm rõ một cách công khai!

Không biết giáo sư Võ Tòng Xuân đã đọc ý kiến phản hồi của nhà giáo Vũ Cao Đàm chưa? Giáo sư là người có đủ tư cách và trách nhiệm nói lại vấn đề này trên Vietnamnet  mà cơ quan này không thể từ chối, không đăng.

Tôi là người từ lâu rất trân trọng ý kiến và tấm lòng của Giáo sư đối với nông dân. Năm 1993, tôi đã được đọc bài viết của Giáo sư có  tựa đề “Bao giờ nông dân mới giàu?”. Sau đó có một bác nông dân tên là Sáu Kiên Nhẫn  đã trả lời Giáo sư trong lá thư ngỏ “Kính gửi Giáo sư Vũ Tòng Xuân”, đăng trên báo Lao Động ngày 4-7-1993. Nội dung thư kể những khó khăn của nông dân kéo dài không được giải quyết như: Bị chèn ép phải bán lúa dưới giá thành, không có quyền sở hữu đất đai… Bác Sáu Kiên Nhẫn cho Giáo sư Võ Tòng Xuân biết rằng, “nông dân chúng tôi chỉ giàu khi người ta muốn chúng tôi giàu!” (ý Bác Sáu Kiên Nhẫn muốn nói là khi có chính sách vì lợi ích của nông dân). Sáu Kiên Nhẫn tỏ ra hi vọng kỳ họp thứ 2 của Quốc hội Khóa 8 đang họp, trong chương trình đã công bố có việc sửa đổi Luật đất đai năm 1987, sẽ giải quyết vấn đề quyền sở hữu đất đai cho nông dân.

Ngày 14-7-1993, Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi, vẫn giữ quan điểm “đất đai là sở hữu toàn dân”, nhưng không thấy Sáu Kiên Nhẫn tỏ ý vui hay buồn.

Mãi đến 17 năm sau, ngày 15-3-2010, trên báo Người Lao Động lại có bài báo thứ hai của Giáo sư Võ Tòng Xuân cùng một tựa đề với bài hồi trước: “Nông dân: Bao giờ mới giàu?”. Đọc bài báo của Giáo sư, thấy những điều băn khoăn của bác Sáu Kiên Nhẫn vẫn còn y nguyên đó!

Tôi rất tâm đắc với những bức xúc kéo dài 17 năm của Giáo  sư. Dù biết rằng lĩnh vực này mình không thật am hiểu, nhưng với tình yêu nông dân, những người làm ra hạt gạo nuôi cả dân tộc mà vẫn đang quá nghèo khổ, tôi mạnh dạn hưởng ứng Giáo sư bằng bài viết tựa đề: “Lại hỏi: Bao giờ nông dân mới giàu?”. Bài này được đăng trên báo Lao Động ngày 1-5-2011. Bài có những đoạn: “Phập phù giá lúa, bấp bênh giá gạo” nói về  tình trạng kéo dài hơn 20 năm, người nông dân vẫn không có cơ chế đảm bảo cho mình được quyết định  giá lúa trước những nhà buôn gạo ép giá thu lời trên mồ hôi nước mắt của họ. Đoạn “Nông nghiệp không có nhạc trưởng”, nói về nông nghiệp có tới 5 Bộ, thêm cả chính quyền địa phương quản lý mà chẳng nơi nào  chịu trách nhiệm về việc mỗi năm mất từ 70.000 ha đến 100.000 ha đất nông nghiệp! Đoạn “Không có ai bảo vệ quyền lợi nông dân” nói về tình cảnh nông dân bị các Dự án lấy đất, đền bù với giá rẻ mạt mà Hội Nông dân không có quyền can thiệp bảo vệ hội viên của mình. Có mấy vấn đề lớn cần được giải quyết: Nghị quyết T.Ư. 7, khóa 10 đã đề ra việc sửa đổi Luật Đất đai, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc nên công nhận quyền sở hữu đất đai của nông dân. Nghị quyết T.Ư.7 cũng đề ra việc “hướng dẫn phát triển hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp”. Nhiều ý kiến cho rằng nên giúp đỡ cho nông dân  hình thành những công ty cổ phần  sản xuất nông nghiệp, để có hình thức tổ chức bình đẳng hợp đồng với các đối tác rất lớn như Hiệp hội lương thực Việt Nam và giải quyết tình trạng hạt gạo Việt Nam do sản xuất manh mún, “năm cha ba mẹ”, nên không có thương hiệu, không thể đủ sức cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo. Một vấn đề nữa là: Nông nghiệp Việt Nam chiếm 70% dân số, dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, đóng góp 20% GDP mà hiện nay chỉ được đầu tư khoảng 5-6% tổng đầu tư, khoảng đầu tư lớn nhất lại dồn cho ngành đóng tàu luôn luôn thua lỗ!

Năm nay nhà nước bắt đầu bỏ tiền ra  giúp cho việc xây dựng nông thôn mới. Đó là việc làm đáng hoan nghênh; tuy nhiên phải  có chính sách để tạo điều kiện cho nông dân yêu ruộng đất, tích cực sáng tạo, làm giàu bằng đôi tay và khối óc của mình và tự mình xây dựng nông thôn mới cho mình thì mới là cách giải quyết cơ bản!

Không nên vì quá yêu nông dân mà “cám ơn thương nhân Trung Quốc” một cách cảm tính, để rồi đẩy họ chuốc lấy tai họa, mà không chỉ riêng họ mang họa đâu, cả đất nước phải mang họa đấy! Vì sao? Nhà giáo Vũ Cao Đàm đã phân tích việc này rất có sức thuyết phục xin không phải nhắc lại.

Ngày 8-8-2011

T. L.

***

Bài phỏng vấn của Vietnamnet với Giáo sư Võ Tòng Xuân:

‘Chúng ta nên cảm ơn thương nhân Trung Quốc’

Quốc Quang. Vietnamnet

Giáo sư Võ Tòng Xuân bác bỏ nguy cơ thao túng vùng nguyên liệu mà một số phương tiện truyền thông đưa ra gần đây có ý cảnh báo dư luận.

Thời gian vừa qua, hàng loạt phương tiện truyền thông đăng tải các ý kiến có ý cảnh báo dư luận về việc thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào vùng chuyên canh khoai lang tại Vĩnh Long.

Việc thuê đất dài hạn, bao tiêu sản phẩm và đầu ra cũng dấy lên lo ngại về nguy dẫn đến tình trạng thao túng vùng nguyên liệu nông sản. Để rộng đường dư luận, VietnamNet đã phỏng vấn Giáo sư nông nghiệp Võ Tòng Xuân – người từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của các tổ chức, dự án quốc tế và quốc gia về lĩnh vực nông sản.

image
Giáo sư Võ Tòng Xuân trong một lần giao lưu trực tuyến tại tòa soạn VietNamNet

– Thưa Giáo sư, ông có biết tình hình thương nhân Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào vùng chuyên canh khoai ở Vĩnh Long (thuê đất, thu gom, xuất khẩu…)?

Bây giờ có thương nhân Trung Quốc sang khoanh vùng ở Bình Minh và Bình Tân thuộc tỉnh Vĩnh Long – hai huyện nổi tiếng trồng khoai lang truyền thống để hợp đồng với nông dân trồng khoai lang, thậm chí có doanh nghiệp Trung Quốc mướn đất và mướn dân trồng khoai lang và họ bao tiêu đầu ra.

– Việc này có thể dẫn đến nguy cơ thao túng vùng nguyên liệu nông sản như nhiều ý kiến cảnh báo không thưa giáo sư?

Đây là một thời cơ rất tốt cho nông dân Vĩnh Long của chúng ta được có thêm công ăn việc làm, có nơi tiêu thụ sản phẩm. Không thể nói là thương nhân Trung Quốc “thao túng vùng nguyên liệu”, vì thương nhân Việt Nam đâu cần mua khoai lang mà quan tâm và chịu chăm sóc nông dân Vĩnh Long như thương nhân Trung Quốc?

Như vậy, đã có một thời kỳ quá dài nông dân Vĩnh Long “chịu thiệt”?

Khó khăn lớn nhất của nông dân ở Vĩnh Long và nhiều tỉnh thành nước ta hiện nay là thị trường đầu ra. Bà con nông dân có thể sản xuất nông thủy sản hàng hóa theo mọi tiêu chuẩn, nhưng khi thu hoạch thì chỉ có thương lái với giá ép buộc, thường là bất lợi cho bên bán. Nông dân phần lớn chỉ lo trồng lúa, măc dù biết là trồng lúa không có lãi nhiều. Họ cũng muốn đa dạng hóa nông nghiệp, chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi con khác, nhưng không biết bán cho ai, ở đâu và giá bao nhiêu!

Nhiều ý kiến cho rằng khoai lang tại Vĩnh Long vào mùa thu hoạch có thể bị ép giá vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Theo Giáo sư, chúng ta nên bắt đầu hóa giải sức ép này ra sao?

Đây là vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương, phải lo bảo vệ nông dân. Ủy ban nhân dân huyện phải quản lý các thương lái và thương nhân trên địa bàn của mình, nắm được lai lịch của họ, phải hướng dẫn nông dân đòi thương nhân phải hợp đồng trách nhiệm, kể cả giá cả phải được thỏa thuận từ đầu. Không thể vô trách nhiệm, làm lơ, để ai muốn làm gì thì làm.

Ở góc độ chuyên môn, Giáo sư đánh giá thế nào việc chuyển hóa chuyên canh nông sản từ trồng lúa sang trồng khoai?

Trồng khoai lang trên đất lúa là một hệ thống canh tác rất bền vững, một hướng đa dạng hóa nông nghiệp độc canh cây lúa. Kinh nghiệm tại các vùng khoai – lúa tại Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long cho thấy lúa trồng sau khi thu hoạch khoai lang có năng suất cao hơn trồng lúa độc canh.

Ngoài tỉnh Vĩnh Long, một số địa phương tại nước ta hiện nay cũng xảy ra tình trạng thương nhân Trung Quốc chiếm vị trí độc tôn về một loại nông sản. Điều này có ảnh hưởng thế nào với cán cân điều tiết thị trường nông sản?

Chúng ta nên cám ơn thương nhân Trung Quốc đã tiêu thụ nông sản cho nông dân ta trong khi các thương nhân và doanh nghiệp Việt Nam quá thụ động, không giúp đỡ gì nhiều cho nông dân của mình. Đáng lẽ doanh nghiệp ta phải thật năng động, tung ra thế giới, nhất là sang Trung Quốc để nắm bắt được nhu cầu của họ rồi về hợp đồng cho nông dân ta sản xuất hàng hóa đúng nhu cầu ấy rồi đưa sang Trung Quốc bán cho họ.

Giáo sư có thể đánh giá cụ thể hơn về cách làm của các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh nông sản hiện nay?

Cho đến ngay nay chúng ta rất hiếm thấy nhiều doanh nghiệp xuống đến tận nông thôn cùng tính toán với nông dân để tổ chức sản xuất nông sản nguyên liệu. Các doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ dùng đội quân thương lái thu gom hàng hóa nguyên liệu theo cơ hội, nhất là mặt hàng gạo, cho nên thành phẩm được chế biến không thể có thương hiệu mạnh.

Cả người nông dân, doanh nghiệp và đất nước đều chịu thiệt vì cách làm cơ hội này. Có thể nói, nông dân Việt Nam còn nghèo vì đất nước ta không có những doanh nghiệp biết kinh doanh.

Xin cảm ơn giáo sư!

___

Tiếng Nói Dân Chủ là diễn đàn chia sẻ những quan điểm dân chủ từ nhiều nơi khác nhau. Ban Biên Tập không chịu trách nhiệm nội dung các bài viết đã được đăng tải, cũng như bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiếng Nói Dân Chủ.

Tháng Tám 9, 2011 - Posted by | Kinh tế-Đời sống | ,

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này